Ngày 26/4/2024, Trường Đại học Mỏ - Địa chất (HUMG) đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ môn Thiết bị Dầu khí và Công trình (TBDK & CT). Đây là dịp để CBVC, SV các thế hệ của Bộ môn gặp gỡ, ôn lại truyền thống trong suốt 20 năm qua và là dịp để Bộ môn ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Tham dự buổi lễ có TS. Nguyễn Thị Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD & ĐT; Ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Dự án Lô 01 & 02 – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Ông Trần Văn Dưỡng – Tổng Giám đốc Tổng CT Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư PETEC; Ông Trương Tuấn Nghĩa – Giám đốc Công ty Khảo sát và công trình ngầm PTSC G&S; PGS.TS Nguyễn Xuân Thảo – Phó Chủ tịch Tổng Hội Địa chất Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, Viện nghiên cứu có quan hệ hợp tác với Bộ môn tới tham dự.
Về phía Nhà trường có PGS.TS Trần Xuân Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng; PGS.TS Triệu Hùng Trường – Phó Hiệu trưởng, ThS Nguyễn Thanh Tuấn – Bí thư Đoàn thanh niên Trường, đại diện lãnh đạo các đơn vị, đoàn thể trong trường, các đại biểu nguyên lãnh đạo Trường, nguyên lãnh đạo Khoa; TS Lê Quang Duyến - Trưởng khoa Dầu khí và Năng lượng; PGS.TS Tống Thị Thanh Hương – Phó trưởng Khoa cùng toàn thể cán bộ và sinh viên Khoa Dầu khí và Năng lượng (DK & NL) tới dự.
Tại buổi lễ, TS Lê Đức Vinh – Trưởng Bộ môn TBDK & CT đã có bài diễn văn ôn lại quá trình thành lập và phát triển của Bộ môn. Theo đó, Bộ môn được thành lập từ tháng 2/2004 trực thuộc Khoa Dầu khí (nay là Khoa Dầu khí và Năng lượng) nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những đòi hỏi hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ khối thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn của đất nước. Ngay từ ngày đầu, Bộ môn đã tập trung bồi dưỡng chuyên môn cho các cán bộ giảng dạy. Đến nay, Bộ môn đã có 2 PGS, 4 TS, 1 NCS, 1 ThS. Giảng viên của Bộ môn đã biên soạn các bài giảng và giáo trình dùng cho đào tạo các bậc đại học và sau đại học với chương trình cập nhật nhất. Để giải quyết khâu thực tập của sinh viên cũng như hợp tác trong giảng dạy và NCKH, Bộ môn đã xây dựng tốt mối quan hệ với các cơ sở sản xuất trong nước và nước ngoài cũng như thực hiện nhiều đề tài công trình khoa học, hợp đồng nghiên cứu các cấp để phục vụ sản xuất. Đến nay, Bộ môn đã đào tạo gần 1200 kỹ sư, 40 thạc sĩ, 4 tiến sĩ.

Với những cố gắng của tập thể cán bộ viên chức của Bộ môn trong 20 năm qua, Bộ môn đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều khen thưởng có giá trị. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm thành lập, Bộ môn được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT do Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đại diện trao tặng và Bằng khen của Tổng Hội Địa chất Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Xuân Thảo là đại diện trao tặng.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng chúc mừng những thành tựu mà Bộ môn đã đạt được qua những thành tích đáng tự hào mà Thủ tướng chính phủ, Bộ GD & ĐT, Nhà Trường ghi nhận trong 20 năm qua. Thầy Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và ủng hộ của Đảng bộ cấp trên, các tổ chức, cá nhân cho Bộ môn TBDK & CT trong thời gian tới. GS.TS Trần Thanh Hải tin tưởng với sự hỗ trợ đó cùng với sự đoàn kết của tập thể cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên, Bộ môn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt ngành TBDK & CT ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế. Nhân dịp này, Thầy Hiệu trưởng cũng chỉ đạo Bộ môn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính trong thời gian tới như sau:
1. Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển Bộ môn theo chiến lược phát triển Nhà trường đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.
2. Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên theo trình độ phát triển khoa học công nghệ và nhu cầu xã hội.
3. Nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Chuẩn hóa chương trình đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế. Chủ động trong công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về ngành nghề đào tạo, phục vụ hoạt động tuyển sinh của Nhà trường.
4. Phát huy thế mạnh trong NCKH và chuyển giao công nghệ, gắn NCKH với thực tiễn sản xuất. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế. Tăng cường công bố khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế để nâng cao vị thế của Bộ môn, Khoa và Nhà trường.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Lê Quang Duyến - Trưởng khoa Dầu khí và Năng lượng nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao thành quả đã đạt được của Bộ môn trong đào tạo, NCKH trong 20 năm qua, đồng thời tin tưởng rằng tập thể cán bộ Bộ môn TBDK & CT sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, cùng Khoa và Nhà trường vượt qua thử thách cũng như đón nhận cơ hội phát triển trong tương lai.

Đại diện cho các đơn vị đối tác của Bộ môn, TS. Trịnh Việt Thắng, thành viên HĐTV Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) khẳng định việc thành lập Bộ môn TBDK & CT năm 2004 hoàn toàn phù hợp với bối cảnh ngành dầu khí đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu đào tạo của xã hội. Trong 20 năm qua, cùng với Khoa và Nhà trường, Bộ môn đã đào tạo cho PVEP khoảng 250 cán bộ tham gia học các hệ đào tạo tại trường, các khóa đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng ngắn hạn, đáp ứng được yêu cầu công việc của đơn vị.

Nhân dịp này, Ông Trần Văn Dưỡng – cựu sinh viên khóa 40, Bộ môn TBDK&CT, Tổng Giám đốc TCT Thương mại Kỹ thuật & Đầu tư đã gửi lời tri ân các thầy cô giáo của Bộ môn đã trang bị những kiến thức nền tảng, là tiền đề vững chắc để cá nhân phát triển tốt trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Thay mặt sinh viên của Bộ môn đang học tại trường, sinh viên Nguyễn Đức Huy – lớp TBDK K65 đã phát biểu cảm tưởng và hứa sẽ tiếp tục phấn đấu cũng như vận dụng sáng tạo các kiến thức được học ở trường vào cuộc sống để không phụ lòng mong đợi của thầy cô và xứng đáng là sinh viên của Bộ môn TBDK & CT.
Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, Bộ môn TBDK & CT đã tổ chức Hội thảo “Thiết bị và Công trình Dầu khí với xu hướng chuyển dịch nguồn Năng lượng”. Các báo cáo tham luận xoay quanh vấn đề định hướng phát triển các hướng chuyên môn của Bộ môn TBDK & CT trong bối cảnh dịch chuyển các nguồn năng lượng. Vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển dịch các nguồn năng lượng, công tác đào tạo phải phù hợp và phải chuyển dịch cơ cấu ngành nghề để thích ứng với nhu cầu xã hội đã được các đại biểu tham dự tìm ra giải pháp. Qua buổi Hội thảo này, Bộ môn đã tiếp nhận được những ý kiến có giá trị và xây dựng được bức tranh định hướng đào tạo sát với nhu cầu thực tế cũng như những đóng góp cho định hướng phát triển Bộ môn. Hội thảo đã có rất nhiều báo cáo phù hợp thực tiễn thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự.

